Ở một bên khác, Triệu Tĩnh Chính hoàn toàn không hay biết người cha mà anh ta đang bảo vệ đã hoàn toàn tháo lớp vỏ bọc.
Anh ta vẫn quyết định tự mình tìm người lao công. Ban ngày Lý Tầm bận đi học còn anh ta thì lại dành thời gian cãi nhau trên mạng, thua cuộc rồi chẳng có việc gì làm bèn nghĩ đến việc đi tìm người lao công nọ.
Các công nhân vệ sinh trong trường đều mặc đồng phục giống nhau là những bộ quần áo màu xám xịt, họ toàn là những phụ nữ trung niên năm mươi sáu mươi tuổi với vóc dáng na ná và ai nấy còn đội mũ. Trong đoạn video giám sát, người phụ nữ đó cúi đầu nên không nhìn rõ mặt.
Để tìm ra người đã đẩy thùng rác trong đoạn video đó, Triệu Tĩnh Chính phải đi hỏi những người lao công khác.
Sợ đánh động đối phương, Triệu Tĩnh Chính không sổ toẹt ra mình là con trai của thầy giáo mất tích, thay vào đó giả vờ như mình cũng là học sinh cấp ba còn cầm theo một cuốn sách đi loanh quanh trong trường.
Mấy cô lao công đang quét dọn sân trường. Anh ta bắt chuyện với một cô lao công.
Học theo cách Lý Tầm nói chuyện với người khác, anh ta cố gắng tạo mối quan hệ thân thiết với bà ấy.
Bà ấy chỉ đáp lại câu được câu mất, thỉnh thoảng lại liếc nhìn anh ta. Triệu Tĩnh Chính nuốt nước miếng, đừng nói là bị phát hiện đấy?
Thôi kệ, cứ hỏi trước đã. (P1)
Anh ta hỏi: “Bác ơi, buổi tối thường ai là người đổ rác ạ?” “Mấy tụi tôi làm theo ca, anh hỏi tối thứ mấy?”
“Tối thứ hai tuần này ạ.”
Thấy bà ấy nhìn mình, anh ta bổ sung ngay: “Tối hôm đó con có làm rơi một món đồ nhỏ, có bạn nói thấy cô lao công nhặt được nên con mới muốn hỏi...”
Người phụ nữ trung niên đó lập tức tỏ vẻ không hài lòng, nhướng mày, giọng nói cũng lớn hơn: “Tối hôm đó là tôi đổ rác đấy, anh làm rơi cái gì? Tôi không nhặt được gì cả. Bạn anh thấy ở đâu? Bảo bạn anh tới nói rõ ra!”
Triệu Tĩnh Chính giật mình, vội vàng xua tay thốt lên: “Không có gì đáng giá đâu ạ, chỉ là hai cái bookmark thôi.”
“Anh nói giỡn chắc, không có gì đáng giá mà còn đến hỏi.”
Triệu Tĩnh Chính đành phải rời đi trong sự ngượng ngùng, song thật chất anh ta đã lén chụp ảnh đối phương chuẩn bị đợi đến khi người đó tan làm sẽ theo dõi.
Điều anh ta không biết là khi anh ta vừa rời đi tức thì, người phụ nữ vừa nói chuyện với anh ta đã lập tức gọi điện cho một người khác.
“Bà Trương này, dạo này bà nhặt được đồ của học sinh nào đúng không? Mấy hôm nay đừng bán đi nhé vì học sinh đó đang đi tìm khắp nơi.”
Trương Minh Thải nhận được cuộc gọi, vô cùng bối rối, bà nhặt được đồ? Sau đó, người ở đầu dây bên kia đã giải thích rõ tình hình.
Trương Minh Thải lập tức cảnh giác, vội vàng gửi một bức ảnh cho người kia: “Có phải nam sinh này không?”
Người ở đầu dây bên kia thoắt đưa ra câu trả lời khẳng định. “Vậy bà nói là tôi à?”
“Sao tôi nói là bà được vì hôm đó vốn dĩ là ca trực của tôi. Bà mới là người giúp tôi đấy. Dù sao thì nó không tìm thấy gì ở chỗ tôi đâu. Chính bà cứ cẩn thận là được.”
(P2)
Trương Minh Thải nghe xong lấy làm cảm động dù lúc này không phải là thời điểm để cảm động, bà liên tục cảm ơn và hứa sau này vẫn sẽ giúp người kia trực ca.
Trước đây, Trương Minh Thải là một nhà soạn nhạc. Bà rất thích những bản nhạc bi tráng vậy mà thầy bà luôn bảo âm nhạc của bà có cảm giác gượng ép nỗi sầu trước vần thơ, khuyên bà nên sáng tác những bài vui vẻ hơn, đừng cố gắng tạo ra những tác phẩm sâu sắc chỉ vì muốn lên tầm cao mới.
Lời nhận xét này nghe có vẻ tàn nhẫn.
Trên thực tế trước khi sự việc đó xảy ra, câu nói này chính là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời bà.
Bà là con một, cha mẹ là vợ chồng công nhân viên, bà chưa từng trải qua cảm giác thiếu thốn tình cảm hay vật chất. Chính bản thân bà thông minh, chưa từng ăn quả đắng vì đầu óc đần độn thời đi học, thuận lợi đỗ vào trường đại học âm nhạc, lúc học đại học thì yêu và kết hôn với đàn anh cùng trường, sau đó tốt nghiệp kết hôn sinh con. Hết thảy mọi thứ đều không ảnh hưởng đến sự nghiệp của bà vì có bốn ông bà giúp bà chăm sóc con.
Nhưng rồi tất cả đều dừng lại vào một buổi trưa nắng đẹp, bà nhận được một cuộc điện thoại, con bà mất tích.
Lúc đầu bà hy vọng đó chỉ là một vụ bắt cóc tống tiền, chỉ cần trả lại con là được.
Hy vọng tan vỡ vào một buổi chiều khác khi người đưa thư nói có gói hàng cho bà.
Bà không nghĩ nhiều vào dạo ấy, ký nhận, mở ra, để rồi bắt đầu chóng mặt và ngất đi.
Khi tỉnh lại trong bệnh viện, ba chồng bà đến xin lỗi, bảo có lỗi với bà, vừa khóc vừa kể lể: “Cha có lỗi với mấy con, toàn là lỗi của cha hết.”
Đúng vậy, khi nhìn vào khuôn mặt đó, trong đầu bà chỉ có một ý nghĩ đó là lỗi của ông ấy.
Bà bắt đầu sụp đổ, trách mắng ba chồng. Tính tình ông ấy không tốt trờ trờ, không biết kiên nhẫn mà còn nhất quyết phải đưa cháu đi dạo, bộ trong nhà thiếu ông ấy đến vậy ư?
Bị bà trách mắng, hôm sau ông ấy tức tối tự tử.
Trong gia đình này ngoài nỗi đau mất con, bà còn phải gánh chịu trách nhiệm đẩy người khác đến cái chết.
Bà và chồng nhanh chóng ly hôn.
Tình trạng sức khỏe của cha mẹ bà ngày càng xấu đi, chưa quá hai năm sau mẹ bà qua đời vì ung thư vú, cha bà cũng qua đời trong một vụ tai nạn giao thông về sau.
(P3)
Những nỗi đau mà bà chưa từng kinh qua trong mấy chục năm trước đó giờ đây ập đến cùng một lúc.
Bà chỉ biết liên tục tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, bà học nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, quanh đi quẩn lại cuộc sống của bà ngày càng lịu địu.
Bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thường xuyên đi cùng với các tổ chức đến những con đường bùn lầy mà bà chưa từng tới, vác trên lưng những bao hàng nặng trịch.
Cuộc sống của bà xuất hiện một khoảng trống lớn, phải lấp đầy nó bằng rất nhiều việc làm.
Cho đến khi Lý Ngọc Quế gọi điện cho bà.
“Tôi tìm ra kẻ thủ ác rồi.” Bà chưa bao giờ nghe thấy đối phương khóc nhưng hôm đó, giọng nói bên kia đầu dây mãi nghẹn ngào, “Tôi tìm ra gã rồi, gã vẫn còn sống.”
Ban đầu bà an ủi đối phương để rồi nghe thấy chị ấy nói: “Gã ta còn một đứa con, lớn hơn con tôi vài tuổi, gần bằng tuổi con chị, sắp tốt nghiệp đại học.”
Có người đã hủy hoại cuộc đời bà mà lại không phải trả bất kỳ giá nào.
Vốn dĩ bà có thể sống cả đời mà không cần hiểu đau khổ và tuyệt vọng là gì, có thể làm một nhà soạn nhạc mãi chìm đắm trong những nỗi buồn tự tạo.
Người này đã hủy hoại cuộc đời bà, kéo bà xuống vũng bùn. Về người đã cùng bà kinh qua sự việc đó năm xưa.
Cha chồng bà đã dùng cái chết để trốn tránh nỗi đau, chồng cũ của bà đã lập gia đình mới rồi vượt qua nỗi đau.
Chỉ có bà, khi mọi người đều đã gánh bỏ gánh nặng, bà đành một mình gánh
chịu tất cả những khổ đau năm xưa và tiếp tục dấn bước về trước.
Bà muốn đòi lại công bằng cho mình, phải có người phải trả giá đắt cho những gì bà đã phải hứng chịu.
“Để tôi.”
Bà không mất lý trí hoàn toàn, vẫn lo lắng liệu có nhầm lẫn không, thế là xung phong nhận việc vào trường để theo dõi người đó.
Nếu là bà của ngày trẻ, bà không cách gì làm được, song giờ đây bà không còn bận tâm đến những điều này.
Bà thân thiết với những người lao công khác, cùng nhau làm công việc vừa bẩn vừa mệt.
Vào giờ làm việc, nhóm các bà sẽ vừa dọn dẹp vệ sinh vừa trò chuyện đủ thứ chuyện để giết thời gian.
(P4)
Họ dạy bà cách làm việc riêng trong giờ làm, lén đan len, bà dạy họ cách sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
Đây là cuộc sống mà bà đã quen, những năm qua bà mãi trốn tránh cuộc đời mình bằng cách dựa vào thế giới của người khác.
Trong cuộc sống tại trường, ngày ngày bà đều phải nhìn thấy người có khả năng là kẻ thủ ác; giả như không trốn vào thế giới của người khác chỉ e quá khó để bà không phơi bày bản thân.
Cũng chính vì cách sống trốn trong thế giới của người khác mà Trương Minh Thải trở nên thân thiết với các đồng nghiệp.
Những công nhân vệ sinh này nào phải là người thành phố Bình Thành, đa số họ đều là những người phụ nữ trung niên năm sáu mươi tuổi từ nông thôn đi ra làm công, không tìm được việc khác nên đành làm công việc lao công. Họ chăm chỉ, cần mẫn, không có mấy bạn bè ở thành phố này, người duy nhất họ có thể trò chuyện là những người cùng làm việc.
Trương Minh Thải rất thích ở bên cạnh họ, trên người họ có một sức sống kỳ lạ. Bà nghe họ nói về những đứa con bất hiếu, nghe họ nói về những khó khăn đã nếm trải, nghe họ nói về những giáo viên lớp nào nghiêm khắc và những giáo viên lớp nào tốt bụng nhất.
Bà ẩn mình trong cuộc sống của họ, bằng cách quan tâm đến cuộc sống của họ cũng như bằng cách sống như họ, bà trốn tránh niềm đau riêng.
Trương Minh Thải đâu nào hay những người này cũng coi bà như người một nhà.
Khi người một nhà có chút việc mà lại là việc nhỏ nhặt như vậy, đương nhiên phải giúp đỡ.
Triệu Tĩnh Chính nào ngờ họ sẽ bao che lẫn nhau, thấy đối phương nói vậy nên cứ tin tưởng.
Thế là khi Lý Tầm xong buổi tự học vào giấc tối, thấy được đối tượng mà họ theo dõi là một bà cô hoàn toàn xa lạ thì bối rối khôn cùng.
Chuyện gì đang xảy ra vậy?
………..